Tại điều 28, khoản 1 của Luật Thương mại 2015, định nghĩa: “Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.” Vậy để thực hiện hoạt động nhập khẩu hàng hóa đúng luật cần phải chuẩn bị những thủ tục nhập khẩu hàng hóa gì? Quy trình thực hiện ra sao? Cùng Sao Mai Corp tìm hiểu ngay nhé!
Các bước trong quy trình làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa
Bước 1: Xác định loại hàng nhập khẩu
Rõ ràng, khi chuẩn bị nhập hàng và làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, bạn cần trả lời rõ những câu hỏi dưới đây.
- Hàng có bị cấm nhập khẩu không?
- Hàng có cần giấy phép nhập khẩu không? Nếu có, của cơ quan nào?
- Hàng có cần kiểm tra chất lượng không? Nếu có, của cơ quan nào?
Cụ thể:
- Hàng thương mại thông thường. Đây là những lô hàng đủ điều kiện để tiến hành làm thủ tục nhập khẩu thông thường.
- Hàng bị cấm: Để tìm hiểu cụ thể về mặt hàng nào bị cấm nhập, hay phải xin giấy phép, bạn có thể tìm đọc Nghị định 187/2013/NĐ-CP (lưu ý các Phụ lục), và thông tư 04/2014/TT-BTC để tránh những vướng mắc về mặt pháp lí.
- Hàng phải xin giấy phép nhập khẩu: Nghị định 187/2013/NĐ-CP đã quy định rõ những mặt hàng phải xin giấy phép nhập khẩu. Theo đó, quý doanh nghiệp phải hoàn tất các thủ tục trước khi đưa hàng về cảng. Nếu không sẽ phát sinh nhiều chi phí để thuê kho chứa, thuê bãi tỏng lúc chờ được cấp giấy phép.
- Hàng cần công bố hợp chuẩn hợp quy: Tương tự như trên, doanh nghiệp phải làm thủ tục công bố hợp quy trước khi hàng được đưa về cảng. Quy trình làm công bố hợp quy cho lô hàng đã được quy định rõ tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN.
- Hàng cần kiểm tra chuyên ngành: Công tác kiểm tra chuyên ngành đối với những mặt hàng này sẽ được tiến hành sau khi đưa hàng về cảng. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ đến tận nơi để lấy mẫu về kiểm tra. Sau khi có kết quả, doanh nghiệp sẽ tiến hành các công đoạn làm thủ tục còn lại.
Bước 2: Ký hợp đồng ngoại thương
Bước tiếp theo của thủ tục nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam chính là ký kết hợp đồng mua hàng. Theo đó, hai bên sẽ thỏa thuận những điều kiện liên quan, trong đó có một số điều khoản chính như sau:
- Tên hàng.
- Quy cách hàng hóa.
- Số lượng/ trọng lượng hàng.
- Mức giá.
- Quy cách đóng gói.
Ngoài ra, còn một số điều khoản quan trọng khác như:
- Điều kiện giao hàng (CIF, FOB, EXW,…).
- Thời gian giao nhận hàng.
- Thanh toán: thời hạn, phương thức thanh toán (bằng hình thức chuyển tiền hay tín dụng,…).
- Chứng từ hàng hóa người bán phải gửi người mua.
Đến bước này, giữa hai bên sẽ thu xếp vận chuyển hàng theo điều kiện đã thỏa thuận. Ngoài ra, trong hợp đồng sẽ được ghi rõ trách nhiệm cụ thể của mỗi bên.
Có hai loại điều kiện giao hàng được sử dụng phổ biến là CIF và FOB. Trong đó CIF là hình thức người bán thuê công ty vận tuyển (hãng tàu) và mua bảo hiểm hàng, đưa hàng đến cảng dỡ.
Còn đối với hình thức FOB, bạn sẽ tự thu xếp chặng vận tải biển và mua bảo hiểm cho hàng. Một điểm đáng lưu ý đối với 2 hình thức này là trách nhiệm của người bán hàng sẽ đều chấm dứt khi hàng qua lan can tàu ở cảng xếp.
Bước 3: Làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu
Đối với hàng nhập khẩu theo điều kiện FOB, CIF, CNF, nhà nhập khẩu phải làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam. Bạn có thể tự làm hoặc thuê công ty dịch vụ thông quan làm thay.
Còn đối với những điều kiện như DDU, DDP (hoặc DAP) thì người bán sẽ làm thủ tục cho bạn và chuyển hàng đến kho của bạn. Tất nhiên, là người nhập khẩu, bạn phải cung cấp chứng từ cần thiết để kê khai hải quan.
Để làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa trong bước này, cần có bộ chứng từ để làm hồ sơ hải quan. Thông thường sau khi hàng xếp lên tàu tại cảng nước ngoài, người bán hàng gửi cho bạn một bộ chứng từ gốc.
Số lượng & loại giấy tờ sẽ quy định rõ trong hợp đồng mua bán, và thường gồm các chứng từ sau:
- Bộ vận tải đơn (Bill of Lading): 3 bản chính
- Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)- 3 bản chính
- Bản kê chi tiết hàng hóa (Packing List): 3 bản chính
- Giấy chứng nhận xuất xứ (CO – Certificate of Origin): có thể theo mẫu D, E, AK… để được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu.
Ngoài ra còn một số giấy tờ khác như: chứng nhận chất lượng (CQ), chứng nhận phân tích (CA), đơn bảo hiểm, hun trùng, kiểm dịch …nếu có.
Căn cứ vào thông tin trên những chứng từ thương mại trên, bạn sẽ khai hải quan nhập khẩu theo quy định hiện hành. Việc kê khai này hiện được thực hiện qua phần mềm hải quan điện tử, tức là được khai và truyền dữ liệu qua mạng internet.
Sau khi truyền tờ khai bằng phần mềm, bạn cần in tờ khai cùng bộ chứng từ giấy để tới chi cục hải quan (chi cục quản lý cảng dỡ hàng hoặc kho CFS đang lưu giữ hàng). Tùy theo kết quả truyền tờ khai là Luồng xanh, Luồng vàng, hay Luồng đỏ, mà bộ chứng từ cần nhiều hay ít. Nếu chưa có kinh nghiệm, bạn nên chuẩn bị sẵn những chứng từ đầy đủ như trường hợp tờ khai luồng Vàng.
Trong trường hợp luồng Vàng, hồ sơ hải quan gồm:
- Bộ tờ khai hải quan & phụ lục (nếu nhiều mục hàng): 01 bản in
- Hóa đơn thương mại: 01 bản sao
- Vận đơn: 01 bản sao
- Hóa đơn cước biển (với điều kiện FOB): 01 bản sao
- Chứng từ khác: CO, kiểm tra chất lượng (nếu có)…
Bạn đem bộ hồ sơ tới đúng chi cục hải quan để làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời đừng quên nộp thuế để được thông quan.
Công việc tiếp theo, bạn xuống cảng đổi lệnh và trình ký hải quan cổng, bãi. Như vậy là xong công việc thủ tục nhập khẩu hàng hóa liên quan tới cơ quan hải quan.
Những điều cần lưu ý khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa
(1) Mỗi tờ khai được khai tối đa 50 mặt hàng, trường hợp một lô hàng có trên 50 mặt hàng, người khai hải quan sẽ phải thực hiện khai báo trên nhiều tờ khai, các tờ khai của cùng một lô hàng được liên kết với nhau dựa trên số nhánh của tờ khai.
(2) Trị giá tính thuế:
– Khai báo trị giá: Ghép các chỉ tiêu của tờ khai trị giá theo phương pháp 1 vào tờ khai nhập khẩu; Đối các phương pháp khác, chỉ ghép một số chỉ tiêu kết quả vào tờ khai nhập khẩu, việc tính toán cụ thể trị giá theo từng phương pháp phải thực hiện trên tờ khai trị giá riêng.
– Tự động tính toán: Đối với các lô hàng đủ điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch, người khai hải quan khai báo Tổng trị giá hoá đơn, tổng hệ số phân bổ trị giá, trị giá hoá đơn của từng dòng hàng, các khoản điều chỉnh, hệ số phân bổ các khoản điều chỉnh, trên cơ sở đó, hệ thống sẽ tự động phân bổ các khoản điều chỉnh và tự động tính trị giá tính thuế cho từng dòng hàng.
– Không tự động tính toán: Đối với các lô hàng đủ điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch nhưng ngoài I và F còn có trên 5 khoản điều chỉnh khác hoặc việc phân bổ các khoản điều chỉnh không theo tỷ lệ trị giá thì hệ thống không tự động phân bổ, tính toán trị giá tính thuế; Đối với các trường hợp này, người khai hải quan khai báo, tính toán trị giá tính thuế của từng dòng hàng tại tờ khai trị giá riêng, sau đó điền kết quả vào ô “trị giá tính thuế” của từng dòng hàng.
(3) Tỷ giá tính thuế:
Khi người khai hải quan thực hiện nghiệp vụ khai thông tin nhập khẩu IDA, hệ thống sẽ áp dụng tỷ giá tại ngày thực hiện nghiệp vụ này để tự động tính thuế:
– Trường hợp người khai hải quan thực hiện nghiệp vụ khai thông tin nhập khẩu IDA và đăng ký tờ khai IDC trong cùng một ngày hoặc trong 02 ngày có tỷ giá giống nhau thì hệ thống tự động giữ nguyên tỷ giá tính thuế;
– Trường hợp người khai hải quan thực hiện nghiệp vụ đăng ký tờ khai IDC (được tính là thời điểm người khai hải quan ấn nút “Gửi” tại màn hình IDC) tại ngày có tỷ giá khác với tỷ giá tại ngày khai thông tin nhập khẩu IDA thì hệ thống sẽ báo lỗi. Khi đó, người khai hải quan dùng nghiệp vụ IDB gọi bản IDA để khai báo lại – thực chất là chỉ cần gọi IDA và gửi luôn hệ thống sẽ tự động cập nhật lại tỷ giá theo ngày đăng ký tờ khai.
(4) Thuế suất:
– Khi người khai hải quan thực hiện nghiệp vụ khai thông tin nhập khẩu IDA, hệ thống sẽ lấy thuế suất tại ngày dự kiến khai báo IDC để tự động điền vào ô thuế suất.
– Trường hợp thuế suất tại ngày IDC dự kiến khác thuế suất tại ngày IDC, thì khi người khai hải quan thực hiện nghiệp vụ đăng ký tờ khai IDC hệ thống sẽ báo lỗi, khi đó, người khai hải quan dùng nghiệp vụ IDB gọi bản IDA để khai báo lại – thực chất là chỉ cần gọi IDA và gửi luôn, hệ thống tự động cập nhật lại thuế suất theo ngày đăng ký tờ khai IDC.
– Trường hợp người khai hải quan nhập mức thuế suất thủ công thì hệ thống xuất ra chữ “M” bên cạnh ô thuế suất.
(5) Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng miễn/giảm/không chịu thuế:
– Việc xác định hàng hóa thuộc đối tượng được miễn thuế XK không căn cứ vào Bảng mã miễn/giảm/không chịu thuế, mà phải thực hiện theo các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan.
– Chỉ sau khi đã xác định được hàng hóa thuộc đối tượng được miễn thuế XK mới áp mã dùng trong VNACCS theo Bảng mã miễn/giảm/không chịu thuế.
– Nhập mã miễn/giảm/không chịu thuế vào chỉ tiêu tương ứng trên màn hình đăng ký khai báo nhập khẩu (IDA).
– Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu thuộc diện phải đăng ký DMMT trên VNACCS (TEA) thì phải nhập đủ cả mã miễn thuế và số DMMT, số thứ tự dòng hàng trong DMMT đã đăng ký trên VNACCS.
– Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế Nhập khẩu thuộc diện phải đăng ký DMMT nhưng đăng ký thủ công ngoài VNACCS thì phải nhập mã miễn thuế và ghi số DMMT vào phần ghi chú.
(6) Trường hợp hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng:
– Việc xác định hàng hóa, thuế suất giá trị gia tăng không căn cứ vào Bảng mã thuế suất thuế giá trị gia tăng; mà phải thực hiện theo các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan.- Chỉ sau khi đã xác định được hàng hóa, thuế suất cụ thể theo các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan mới áp mã dùng trong VNACCS theo Bảng mã thuế suất thuế giá trị gia tăng.
– Nhập mã thuế suất thuế giá trị gia tăng vào chỉ tiêu tương ứng trên màn hình đăng ký khai báo nhập khẩu (IDA).
(7) Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện đăng ký tờ khai (do có nợ quá hạn quá 90 ngày hoặc Doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh,…)
Hệ thống tự động từ chối cấp số tờ khai và báo lỗi cho phía người khai lý do từ chối tiếp nhận khai báo. Tuy nhiên, nếu hàng nhập khẩu phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ khẩn cấp, hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại thì hệ thống vẫn chấp nhận đăng ký tờ khai dù doanh nghiệp thuộc danh sách nêu trên
(8) Trường hợp đăng ký bảo lãnh riêng trước khi cấp số tờ khai (bảo lãnh theo số vận đơn/hóa đơn)
Số vận đơn hoặc số hóa đơn đã đăng ký trong chứng từ bảo lãnh phải khớp với số vận đơn/số hóa đơn người khai khai báo trên màn hình nhập liệu.
Nếu đăng ký bảo lãnh riêng sau khi hệ thống cấp số tờ khai thì số tờ khai đã đăng ký trong chứng từ bảo lãnh phải khớp với số tờ khai hệ thống đã cấp.
(9) Trường hợp cùng một mặt hàng nhưng các sắc thuế có thời hạn nộp thuế khác nhau
Hệ thống sẽ tự động xuất ra các chứng từ ghi số thuế phải thu tương ứng với từng thời hạn nộp thuế. Trường hợp người khai làm thủ tục nhập khẩu nhiều mặt hàng nhưng các mặt hàng có thời hạn nộp thuế khác nhau, người khai sẽ phải khai trên các tờ khai khác nhau tương ứng với từng thời hạn nộp thuế (ví dụ: người khai làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng gỗ và dầu thô thì phải khai trên 02 tờ khai khác nhau tương ứng với từng thời hạn nộp thuế: mặt hàng gỗ có thời hạn nộp thuế nhập khẩu là 30 ngày; mặt hàng dầu thô có thời hạn nộp thuế nhập khẩu là 35 ngày).
Trên đây là những thông tin về thủ tục nhập khẩu hàng hóa cho bạn tham khảo. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa sẽ rất khó khăn với những ai chưa có kinh nghiệm. Chính vì vậy, để được hỗ trợ nhanh nhất, tốt nhất và thuận tiện nhất hãy liên hệ ngay đến Sao mai Corp để được tư vấn nhé!
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ SAO MAI
Hotline: +84 924 444 992
Email: info@saomaicorp.com.vn
Địa chỉ: Tầng 10 Tòa nhà Sico, Số 2, Ngõ 2, Đường Nguyễn Hoàng, Quận Nam Từ Liêm, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam.